Cũng như các khu Nam và khu Đông, động lực để cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM bức phá phát triển không gì ngoài hạ tầng.
Với các dự án hạ tầng giao thông đã và sắp được đầu tư xây dựng sẽ kết nối khu vực Tây Bắc với trung tâm thì trong tương lai gần, khu đô thị Tây Bắc tại Củ Chi, Hóc Môn sẽ là Phú Mỹ Hưng thứ 2 của TP.HCM.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc sớm triển khai dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho khu vực cửa ngõ Tây Bắc của TP.HCM phát triển mạnh trong thời gian tới.
Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài là 1 trong 7 dự án đường cao tốc ở phía Nam, nằm trong tổng số 21 tuyến cao tốc trong “Quy hoạch tổng thể mạng lưới cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (4 làn xe) khoảng 10.727 tỷ đồng, giai đoạn 2 (nâng lên 6-8 làn xe) là hơn 5.000 tỷ đồng.
Dự án có điểm đầu tại giao cắt giữa đường Vành đai 3 với Tỉnh lộ 15 của TP.HCM, điểm cuối tại Quốc lộ 22 thuộc khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Hướng tuyến của dự án phù hợp với quy hoạch chung của huyện Củ Chi TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.
Ngoài ra, Dự án hầm chui tại nút giao thông An Sương trên Quốc lộ 22 đi Củ Chi kết nối với Tây Ninh cũng đang gấp rút hoàn thiện nhanh còn lại để có thể đưa vào hoạt động trong đầu năm 2019… và khi các dự án này được đầu tư và hoàn thiện đưa vào sử dụng thì sẽ là nền tảng tạo cú hích phát triển cho Khu đô thị Tây Bắc.
Tiếp nối với dự án An Sương là tuyến metro số 2 vốn đầu tư hơn 2 tỷ đô kết nối hướng Tây Bắc với trung tâm TP.HCM.
Thành phố cũng chuẩn bị mở rộng hàng loạt tuyến giao thông trọng điểm ở khu Tây Bắc này như Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 9 và Tỉnh lộ 15 .
Khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn) được ví như nàng công chúa ngủ quên vì được triển khai từ nhiều năm nay với nhiều dự án lớn nhưng sau một thời gian dài vẫn còn trì trệ.
Theo quy hoạch được duyệt , Khu đô thị Tây Bắc có diện tích 6.089 ha (giai đoạn 1) thuộc một phần diện tích xã Tân Thới Nhì (Hóc Môn), xã Tân Phú Trung, xã Tân Thông Hội, Tân An Hội, thị trấn Củ Chi và xã Phước Hiệp (Củ Chi). Khu đô thị Tây Bắc sẽ là một trung tâm cấp thành phố với các chức năng: dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng vui chơi giải trí…
Tuy nhiên, sau nhiều năm quy hoạch khu đô thị Tây Bắc hiện chỉ có khu công nghiệp Tân Phú Trung là đi vào hoạt động, các dự án “khủng” khác như dự án Khu đô thị đại học quốc tế Tây Bắc TP.HCM thì vẫn còn trên giấy.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, Khu đô thị đại học quốc tế Tây Bắc TP.HCM này đã được một tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản mua lại và sắp triển khai. Ngoài việc mua lại dự án đô thị đại học, Tập đoàn này cũng quyết định đầu tư dự án khu công viên sinh thái động vật bán hoang dã Safari với diện tích khoảng 400 ha tại khu vực này.
Theo công thức thường thấy, thông tin các dự án hạ tầng cùng sự xuất hiện của “ông lớn” đầu ngành thực hiện các khu đô thị sẽ là nền tảng cho bất động sản bất kỳ khu vực nào bức phá.
N.Đăng
Nguồn: CafeLand.vn