Việc TP.HCM và nhiều địa phương khác đốc thúc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý quy hoạch và công khai thông tin quy hoạch qua mạng internet được nhận định sẽ góp phần giảm thiểu chi phí.
Đồng thời, theo các thành viên thị trường bất động sản, việc này cũng góp phần xây dựng một đô thị thông minh – hiện đại hơn, giảm tình trạng “cò đất” thao túng giá, tình trạng “làm khó” khi người dân muốn tiếp cận nguồn thông tin quy hoạch.
Chỉ với chiếc điện thoại di động trong tay cùng vài thao tác đơn giản, người dân có ngay thông tin chi tiết hiện trạng khu đất được quy hoạch làm công viên, cây xanh dưới nhiều hình thức hiển thị như nền vệ tinh, bản đồ số, bản đồ giấy… phối hợp với nhau.
Cũng với điện thoai di động trên tay, dù đang ngồi văn phòng hay đi công tác trên đường, đang xuống cơ sở, chủ tịch và các phó chủ tịch ở các quận Bình Thạnh, quận 9, quận Thủ Đức thuộc TP.HCM… có thể nắm rõ tiến độ, kết quả giải quyết đến từng hồ sơ thắc mắc, khiếu nại của người dân về các thông tin quy hoạch đô thị từ giấy phép xây dựng, giám sát các công trình có tuân thủ theo quy hoạch được phê duyệt hay không,… Từ đó, không chỉ giảm thời gian, mà còn giảm đi những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của cấp dưới.
Đó mới chỉ là một phần rất nhỏ trong những lợi ích mang lại từ việc công khai quy hoạch thông tin trên mạng internet mang lại. Từ trước tới nay, thông tin quy hoạch luôn là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của xã hội.
Việc xem các thông tin quy hoạch phải ra tận Ủy ban Nhân dân phường để xem và chờ được giải đáp thắc mắc là gây tốn kém thời gian và mất rất nhiều công sức (nhất là đối với người dân ở xa trung tâm hành chính).
Sự quá tải dẫn đến hiệu quả xử lý thấp khiếu nại thắc mắc là một chuyện, vấn đề quan trọng hơn cả là tình trạng “chạy theo quy hoạch” để theo túng giá, hoặc tình trạng “làm khó” khi người dân muốn tiếp cận nguồn thông tin quy hoạch.
Ghi nhận từ thực tế của phóng viên Đầu tư Bất động sản, những cơn sốt đất nền tại khu Đông TP.HCM hay Đông Anh, Hà Nội thời gian vừa qua đều xuất phát từ việc “chạy theo quy hoạch”.
Bằng việc tung tin về quy hoạch, nhiều “cò” đất tham gia thị trường gây nhiễu loạn thông tin quy hoạch, thổi giá làm cho giá đất tăng vùn vụt, ngay kể cả những khu vực không thuộc diện quy hoạch. Chưa kể tới việc “cò” đất tự ý gom đất chưa chuyển đổi, tự ý phân lô bán nền, tách thửa tràn lan băm nát quy hoạch đã được phê duyệt.
Ngay kể cả với những khu vực trong nội thành Hà Nội, việc chậm trễ công khai các thông tin quy hoạch cũng là nguyên nhân gây nhiều bức xúc phản ứng của người dân. Nóng nhất thời gian vừa qua phải kể đến câu chuyện Quy hoạch khu đô thị Ngoại Giao Đoàn liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu Ngoại giao đoàn tại các ô đất có ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1.
Không chỉ bức xúc về việc thay đổi mục đích sử dụng đất của nhiều công trình đô thị, cư dân còn phản ứng về việc “sự đã rồi” diễn ra tại khu đô thị này khi toàn bộ ý kiến tham vấn lại không thuộc về cư dân sinh sống tại đây. Chưa kể, việc tiếp cận các quy hoạch gốc của khu đô thị này đều rất hạn chế và người dân khá vất vả mới tiếp cận được và do người dân phải bỏ tiền ra để tự tìm hiểu.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, một cư dân tại khu đô thị này chia sẻ:” Nếu việc công khai quy hoạch trên Internet được áp dụng sớm hơn tới vài năm tại Hà Nội thì chắc chắn sẽ không có việc xảy ra các tranh chấp nhiều như bây giờ tại Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn. Ngay cả việc xin ý kiến cư dân cũng dễ hơn vì chủ đầu tư hay các cấp chính quyền đều có thể xin ý kiến điện tử qua hình thức vote. Khi đó, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, và khả năng đồng thuận có lẽ cao hơn so với bây giờ”.
Dẫu vậy, cũng cần lưu ý rằng, việc công khai quy hoạch internet phải đảm bảo các nội dung niêm yết phải rõ ràng, dễ hiểu và có hướng dẫn người dân sử dụng, tra cứu các tài liệu niêm yết, đặc biệt là các khuôn khổ pháp lý cho việc tra cứu thông tin quy hoạch trên internet với người sử dụng, tránh việc làm cho có hoặc lợi dụng việc công khai để bóp méo, gây loạn quy hoạch hơn.
Thực tế, từ quý I/2014, Hà Nội cũng đã đưa vào áp dụng Cổng thông tin quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất do Sở Tài nguyên và môi trường quản lý, tuy nhiên, quá trình tiếp cận thông tin quy hoạch qua hình thức này thực tế còn rất nhiều hạn chế vướng mắc.
Cụ thể, người dân vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin quy hoạch do trên bản đồ có nhiều ký hiệu chuyên môn. Chưa kể, đa số các đồ án quy hoạch phân khu bao hàm các nội dung kỹ thuật nên người dân khó tiếp cận và khó hiểu các nội dung đồ án quy hoạch.
Ninh Việt (Đầu Tư BĐS)