Bộ Xây dựng đề xuất điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng dễ tiếp cận hơn cho người dân
Bộ Xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.
Theo cơ quan này, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gắn với việc thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
Đề xuất nội dung nghị quyết giải quyết 5 nhóm chính sách
Đề xuất xây dựng nội dung Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Chính sách về đất đai để xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về quyền và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; Chính sách về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; Chính sách về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; Chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp.
Trong đó, đối với chính sách về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã phân tích và đưa ra các lý do cần xây dựng chính sách này. Theo đó, Luật Nhà ở năm 2014 có quy định ưu đãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ trong trường hợp tự lo chỗ ở cho người lao động.
Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định đối tượng này là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong khi nhu cầu của các đối tượng này là rất lớn để lo nhà ở cho công nhân của doanh nghiệp mình.
Cũng theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (nhà ở, cư trú, thu nhập). “Việc này dẫn đến bất cập là những người thu nhập thấp, để thuê nhà ở xã hội (không mua bán, chuyển quyền sở hữu nhà ở) cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ chứng minh 3 điều kiện nêu trên”- Bộ Xây dựng nêu rõ.
Bên cạnh đó, việc quy định điều kiện về cư trú “Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố này” để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của các địa phương có dự án nhà ở xã hội chỉ chăm lo nhà ở cho người dân, người lao động làm việc trên địa bàn đã không còn phù hợp trong tình hình mới, đồng thời phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm quy định về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo hướng trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không cần đáp ứng các điều kiện như trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội
Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đảm bảo đồng thời 2 điều kiện về nhà ở (chưa có nhà ở, đất ở hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người dưới 10 m2), về thu nhập thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Doanh nghiệp, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại khu công nghiệp theo pháp luật về nhà ở cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại theo quy định của Luật Nhà ở. Những doanh nghiệp, hợp tác xã này phải có hợp đồng thuê mặt bằng khu công nghiệp và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó và phải có hợp đồng thuê, sử dụng lao động với các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở.
Đối với nhóm chính sách về phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân bao gồm: Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Bổ sung quy định doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư được UBND giao đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.
Bổ sung quy định trong quá trình lập quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất trong phần diện tích đất thương mại dịch vụ của khu công nghiệp để làm nhà lưu trú công nhân và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đó.
Bổ sung quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân theo hướng: Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp được giao đồng thời làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhà lưu trú công nhân. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhà lưu trú công nhân đó phải xác định nhu cầu thuê nhà lưu trú; Sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà lưu trú công nhân, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp có thể tự đầu tư xây dựng hoặc báo cáo UBND cấp tỉnh đầu tư hoặc chuyển giao đất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hay các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.
Quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án
Bổ sung quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân theo hướng: Được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà lưu trú công nhân được tính vào chi phí đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; được tính chi phí đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân là khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bổ sung quy định Giá cho thuê nhà lưu trú công nhân do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê; bổ sung quy định yêu cầu đối với Dự án phát triển nhà lưu trú công nhân; bổ sung quy định về loại nhà và tiêu chuẩn thiết kế nhà lưu trú công nhân.
Nguồn tham khảo: Dự án căn hộ nhà ở xã hội tại Thành Phố Thủ Đức: Thủ Thiêm Green House
Theo dõi Thị Trường Địa Ốc để nhận thêm nhiều tin tức về Nhà ở xã hội !