Theo quy hoạch chung điều chỉnh, đến năm 2020, tổng diện tích công viên cây xanh tại huyện Hóc Môn là 917ha, chỉ tiêu 14,1 m2/người, được bố trí tập trung thành từng khu và phân tán tại các khu dân cư. Khu công viên cây xanh tập trung kết hợp vui chơi giải trí tại xã Xuân Thới Thượng 200 ha; xã Đông Thạnh 90 ha; xã Xuân Thới Sơn 50 ha.
Tổ chức mảng xanh liên hoàn tạo cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn. Các khu ở bố trí cây xanh kết hợp thể dục thể thao có quy mô dưới 10 ha bố trí tại các đơn vị ở.
Trung tâm hành chánh huyện dự kiến bố trí tại khu đất có quy mô 4,5 ha (cạnh cụm công nghiệp Khánh Đông thuộc xã Xuân Thới Sơn), có phía Bắc giáp đường Nguyễn Văn Bứa, phía Nam giáp cụm công nghiệp Khánh Đông, phía Đông giáp Quốc lộ 22, phía Tây giáp khu dân cư hiện hữu. Mỗi xã, thị trấn đều có khu hành chính và các công trình công cộng phúc lợi cần thiết được bố trí tại trung tâm các điểm dân cư.
Về hệ thống công trình y tế, mỗi đơn vị ở (10.000 – 20.000 dân) bố trí một cơ sở y tế quy mô 500 m2. Đầu tư mở rộng bệnh viện đa khoa Hóc Môn hiện hữu. Xây mới các bệnh viện tại khu đô thị 741,83 ha xã Tân Thới Nhì và Tân Hiệp, khu đô thị Tây Bắc và các khu đô thị mới trên địa bàn huyện.
Tổng diện tích đất dành phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 1.180 ha, chiếm tỷ lệ 10,8% tổng diện tích toàn huyện, trong đó gồm: Khu công nghiệp Xuân Thới Thượng, quy mô 300 ha; Cụm công nghiệp: gồm 8 cụm với diện tích 531 ha gồm: Cụm công nghiệp Tân Thới Nhì (thuộc Khu đô thị 741,83 ha xã Tân Thới Nhì và Tân Hiệp): 87 ha, Cụm công nghiệp Tân Hiệp (A): 25 ha, Cụm công nghiệp Tân Hiệp (B): 20 ha, Cụm công nghiệp Xuân Thới Sơn (A): 38 ha, Cụm công nghiệp Xuân Thới Sơn (B): 40 ha, Cụm công nghiệp Nhị Xuân: 230 ha, Cụm công nghiệp Đông Thạnh: 36 ha, vàCụm công nghiệp Dương Công Khi: 55 ha. Các cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp không ô nhiễm hoặc ít ô nhiễm, được lưu sử dụng xen cài trong khu dân cư gồm các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện hữu và kho bãi: 316 ha.
Ngoài ra, dự kiến dành khoảng 1.200 ha cho sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao kết hợp với du lịch sinh thái, chủ yếu phát triển vườn cây ăn trái và cây kiểng. Đất nông nghiệp đồng thời giữ chức năng dự trữ phát triển đô thị và được phân bố tại xã Tân Hiệp (150 ha), xã Thới Tam Thôn (178 ha), xã Xuân Thới Thượng (296 ha), xã Đông Thạnh (456 ha), xã Nhị Bình (50 ha) và xã Xuân Thới Sơn (70 ha).
Cơ cấu sử dụng đất
Diện tích đất tự nhiên của huyện Hóc Môn là 10.943,4ha. Đến năm 2020, đất dân dụng:6.657,99ha, chiếm tỷ lệ 60,8%, trong đó: đất ở: 4.352,22ha (đất khu dân cư đô thị: 3.031,22 ha và khu nông thôn 1.321 ha), đất khu hỗn hợp: 104 ha, đất công trình công cộng: 346ha, đất cây xanh: 917ha, đất giao thông: 938,77ha; đất khác trong khu dân dụng: 1.004,2ha, chiếm tỷ lệ 9,2%, trong đó:đất công trình công cộng cấp thành phố: 520ha, đất du lịch sinh thái: 56ha, đất tôn giáo: 28,2ha; đất ngoài dân dụng: 3.281,21ha, trong đó: đất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, kho: 1.180ha, đất giao thông đối ngoại: 315,22ha, đất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật: 98ha, đất an ninh quốc phòng: 73,6ha, đất mặt nước: 414,39ha, đất nông lâm nghiệp: 1.200ha.
Quy hoạch giao thông
Tổ chức giao thông theo hướng cải tạo mở rộng theo đúng lộ giới quy định, kết hợp xây mới một số tuyến đường tạo thành mạng lưới đường hoàn chỉnh.
Các tuyến đường giao thông đối ngoại: đường Quốc lộ 1A, đường Quốc lộ 22 (đoạn từ đường Hương lộ 60 đến ranh huyện Củ Chi) có lộ giới 120m; đường Quốc lộ 22 (đoạn từ quận 12 đến đường Hương lộ 60), đường Vành đai 3 có lộ giới 60m.
Các tuyến đường giao thông đối nội: trên cơ sở các tuyến đường chính hiện hữu dự kiến nâng cấp mở rộng theo quy định lộ giới, hình thành và phát triển thêm các tuyến đường chính trong các khu đô thị. đường D5 (đường số 1) và 2 tuyến đường vòng thuộc khu đô thị đại học Quốc tế Berjaya có lộ giới 60m; đường Lê Văn Khương, đường Bùi Công Trừng, đường Đặng Công Bỉnh, đường Đặng Thúc Vịnh, đường Nguyễn Văn Bứa, đường Tô Ký (theo tuyến hiện hữu), đường Vòng cung Tây Bắc, đường N6 nối dài, đường dọc Kênh Xáng, đường dọc Rạch Tra, đường nối Kênh Xáng – Vòng cung Tây Bắc có lộ giới 40m.
Các tuyến đường còn lại có quy mô lộ giới từ 16m đến 30m.
Tuyến đường sắt: tuyến đường sắt liên đô thị thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài Tây Ninh, trong đó tại một số đoạn tuyến có hành lang đường bộ ở hai bên đường sắt, trên đoạn tuyến bố trí 2 ga dọc đường , qui mô 0,5 – 1 ha cho mỗi ga; tuyến đường sắt quốc gia phía Tây thành phố Hồ Chí Minh (Dĩ An – Tân Kiên) tuyến, trong đó tại một số đoạn tuyến có hành lang đường bộ ở hai bên đường sắt.
Giao thông thủy: gồm Sông Sài Gòn, rạch Tra, Kênh Xáng (Kênh Thầy Cai), kênh An Hạ và rạch Cầu Mênh. Các kênh rạch khác không có chức năng thủy, chủ yếu sử dụng cho tiêu thoát nước.
Bến bãi xe: Dự kiến nâng cấp bến xe An Sương thành bến bãi xe buýt thành phố, đảm nhận chức năng giao thông công cộng với qui mô khoảng 1,6 ha và xây dựng mới bến xe Xuyên Á, qui mô 25 ha. Đây là bến xe khách liên tỉnh tại cửa ngõ Tây Bắc thành phố trên địa bàn huyện Hóc Môn.