Theo luật này, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Khi công dân thực hiện thủ tục đăng ký thường trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu thì cơ quan chức năng có trách nhiệm thu hồi lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành, kết nối thông suốt giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương, chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò.
Về những băn khăn của người dân trong việc thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự,… lãnh đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06), Công an TP.HCM cho biết, từ ngày 1/7, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng chính thức vận hành sẽ kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở chuyên ngành. Trường hợp công dân đi làm các thủ tục hành chính sử dụng thông tin về cư trú mà các cơ sở chuyên ngành chưa kết nối với cơ sở dữ liệu về cư trú thì công dân có thể đề nghị cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cung cấp thông tin về cư trú theo quy định của pháp luật để có cơ sở thực hiện các giao dịch.
Tại buổi phỏng vấn trực tuyến mới đây, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cũng cho biết, từ ngày 1/7, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẵn sàng kết nối. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa kết nối được nên họ vẫn đòi hỏi sổ hộ khẩu để thực hiện các giao dịch. “Đây là lý do để chúng ta có thời gian chuyển tiếp từ 1/7 đến cuối năm 2022. Sau này bỏ hộ khẩu thì tất cả các dịch vụ cần đến hộ khẩu sẽ thay đổi hoàn toàn, bởi chúng ta chấm dứt hộ khẩu giấy vào cuối năm 2022”, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, cho biết theo Luật Cư trú thì Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính. Với các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất, hiện nay theo quy định tại Luật Công chứng thì hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ gồm các giấy tờ sau:
– Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
– Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
– Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có. Như vậy, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng và bản sao giấy tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng. “Tuy nhiên, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, việc xuất trình giấy tờ để chứng minh tư cách thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận vẫn cần hướng dẫn khi thực hiện”, luật sư Hảo chia sẻ.