Chiều dài toàn tuyến đường cao tốc khoảng 53,5km với điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn, TP. HCM và điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Ngày 10/9, thông tin từ UBND TP. HCM cho biết sau khi thống nhất với UBND tỉnh Tây Ninh, TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai, quản lý vận hành khai thác dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Theo đó, chiều dài toàn tuyến đường cao tốc khoảng 53,5km với điểm đầu giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn, TP. HCM và điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT nhưng có sự hỗ trợ của nhà nước được xây dựng trong 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn 1, xây dựng đoạn TP.HCM – Trảng Bàng với quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn và đoạn Trảng Bàng – Mộc Bài với quy mô 4 làn xe (đường cao tốc hạn chế). Trong giai đoạn hoàn chỉnh, xây dựng đoạn TP.HCM – Trảng Bàng với quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng – Mộc Bài với quy mô 6 làn xe.
UBND TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa phận TP.HCM và là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư dự án cao tốc này.
UBND tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa phận tỉnh Tây Ninh.
Theo UBND TP. HCM, để tạo thêm nguồn thu cho dự án, UBND TP cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép mở rộng phạm vi bồi thường giải phóng mặt bằng tại các nút giao giữa đường cao tốc với đường Vành đai 3, Vành đai 4 và các điểm phù hợp khác để phát triển hệ thống giao thông tĩnh, trạm dịch vụ hậu cần, trung tâm thương mại, dịch vụ…
Ngoài ra nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị gần với khu vực các nút giao liên thông để khai thác các quỹ đất, tạo nguồn thu cho các địa phương.
Khi đường cao tốc hoàn thành sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok – Phnom Penh – TPHCM).
Được biết dự án có tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng, trong đó phía TP.HCM góp khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo Tứ Quý (Helino)
NGUỒN: BÁO MỚI