Vốn tín dụng khó khăn, lãi suất vay tăng, một số phân khúc BĐS (BĐS) giảm tăng trưởng khiến không ít nhà đầu tư tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường BĐS sẽ sớm bước vào giai đoạn tái cân bằng.
Nguồn cung giảm nhưng nhu cầu ở thực vẫn cao
Chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT, Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, nguồn cung BĐS đang có xu hướng giảm rõ rệt.
Nhiều nhà đầu tư do dự, dừng lại quan sát thị trường, dẫn đến tỷ lệ hấp thụ trong quý III giảm mạnh so với giai đoạn đầu năm, chỉ đạt 33,5%. Lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp.
Sản phẩm bình dân, nhà ở phù hợp túi tiền quá ít so với sản phẩm cao cấp giá trị lớn. Tổng cung 9 tháng đầu năm đạt 41.886 sản phẩm, tương đương 77,9% so với năm 2021. Giá BĐS có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, cam kết vay, mua lại để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, Chính phủ đã có những Nghị quyết, Chỉ thị tạo điều kiện phục hồi thị trường BĐS thông qua tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch. Trong khi đó, Việt Nam là nước có dân số trẻ và nhu cầu ở thực luôn luôn cao.
Những dấu hiệu tích cực từ các chính sách vĩ mô và thị trường BĐS cho thấy, thị trường sẽ không bị rơi vào cảnh “đóng băng” mà chỉ giảm tăng trưởng ở một số phân khúc và sẽ sớm bước vào giai đoạn tái cơ cấu.
Mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường BĐS chưa rơi vào suy thoái. Các phân khúc vẫn luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư là nhà ở xã hội, chung cư bình dân và trung cấp. Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại, “sốt” đất đã được kiểm soát chặt chẽ, gần như bị triệt tiêu. Thị trường BĐS đang vận hành lành mạnh hơn.
Sẽ sớm trở lại trạng thái cân bằng
Về kinh tế vĩ mô, Chính phủ triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Trong 3 quý vừa qua, GDP của Việt Nam tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong một thập kỷ qua.
Kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động… đều có kết quả tích cực.
Thêm vào đó, trong năm 2022, Việt Nam được ghi nhận là điểm đến mới an toàn, tiềm năng của làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ của doanh nghiệp quốc tế, kết hợp với thị trường nhân công lao động, quỹ đất lớn và hạ tầng giao thông liên tỉnh được Chính phủ rót vốn đầu tư sẽ tạo đà cho sự phát triển về BĐS công nghiệp.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2022. Mặc dù số vốn ngoại đầu tư trực tiếp (FDI) giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng riêng vốn FDI chảy vào ngành BĐS lại tăng vọt với hơn 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Còn số đăng ký này đã tăng cao hơn gấp đôi so với số vốn 1,6 tỷ USD mà ngành BĐS thu hút được của 8 tháng năm 2021. Thậm chí, con số này còn gấp hơn 6 lần nếu so với con số 2,7 tỷ USD của cả năm 2019 – thời điểm trước khi dịch Covid-19 diễn ra.
Từ những tác động chính sách tổng thể, lĩnh vực kinh doanh BĐS vẫn tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 9 tháng của năm 2022, với hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tập trung vào thị trường BĐS công nghiệp và một số dự án BĐS lớn.
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam trong 3 quý vừa qua, nhiều tỉnh thành nhận được mức độ quan tâm gia tăng từ phía các nhà đầu tư, như Bình Thuận với mức tăng 58%; Bà Rịa – Vũng Tàu 44%… Đây là những con số ấn tượng phản ánh sức hấp dẫn của thị trường BĐS phía Nam ở thời điểm hiện tại cũng như giai đoạn sắp tới.
Tuy nhiên, Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam khuyến cáo các nhà đầu tư tính toán một cách thận trọng, cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh, đề phòng thị trường sẽ có những diễn biến tiêu cực. Đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp hướng vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực.
“Thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục phát triển bền vững khi Nhà nước có những chính sách, công cụ tốt nhằm điều tiết cung – cầu hàng BĐS như thuế, tín dụng, đất đai, tài chính hoặc thu hút đầu tư”, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định.