TPHCM thống nhất chọn phương án hướng tuyến cao tốc TPHCM -Thủ Dầu Một – Chơn Thành bắt đầu từ nút giao Gò Dưa đi dọc theo Tỉnh lộ 43 (thuộc Thành phố Thủ Đức) khoảng 80m, rồi rẽ phải theo đường ĐT 743B.
UBND TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về triển khai thực hiện dự án cao tốc TPHCM -Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Trước đó, để sớm triển khai dự án tuyến cao này, Bộ GTVT đề nghị UBND TPHCM nghiên cứu, thống nhất phạm vi đầu tư, hướng tuyến đoạn qua TPHCM và hình thức đầu tư.
Sau khi nghiên cứu, UBND TPHCM thống nhất chọn phương án hướng tuyến cao tốc TPHCM -Thủ Dầu Một – Chơn Thành bắt đầu từ nút giao Gò Dưa đi dọc theo Tỉnh lộ 43 (thuộc Thành phố Thủ Đức) khoảng 80m, rồi rẽ phải theo đường ĐT 743B.
TPHCM cũng cơ bản thống nhất quy mô đầu tư và phương thức đầu tư dự án theo hình thức BOT theo ý kiến của Bộ GTVT. Tuy nhiên, TPHCM lưu ý tư vấn cần rà soát kỹ lưỡng số liệu dự báo lưu lượng, nhu cầu vận tải, các quy hoạch được phê duyệt, phương án đầu tư… đảm bảo phù hợp.
UBND TPHCM cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo tư vấn khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án để kịp thời cập nhật quy mô, phương án tuyến… vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có điểm đầu là nút giao Gò Dưa (nằm trên đường vành đai 2 TPHCM) và điểm cuối giao với Quốc lộ 14 tại Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 69km, trong đó đoạn qua TPHCM dài khoảng 2km, tỉnh Bình Dương dài khoảng 60km và tỉnh Bình Phước dài khoảng 7km.
Về quy mô đầu tư, tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành được thiết kế 4 làn xe với vận tốc 100km/h.
Tổng mức đầu tư dự án ước tính 36.000 tỉ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).
Về thời gian thực hiện, dự án sẽ khởi công trong giai đoạn 2021 – 2025 và hoàn thành sau năm 2025.
Tuyến cao tốc TPHCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành khi đưa vào khai thác sẽ rút ngắn kết nối giao thông giữa các tỉnh Bình Dương, Bình Phước với TPHCM, tạo động lực cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nguồn: Báo Lao Động